Bố cục và yêu cầu Biên_bản

Yêu cầu chung của biên bản là phải mô tả lại các sự việc hiện tượng một cách kịp thời, tại chỗ với đầy đủ, chi tiết mọi tình tiết khách quan, hoặc các ý kiến của các bên liên quan, không bình luận thêm bớt thì mới bảo đảm được vai trò cung cấp thông tin để làm cơ sở cho các quyết định xử lý, hoặc minh chứng cho các nhận định kết luận khác. Ngoài ra biên bản còn phải tuân thủ những hình thức nhất định về thể thức, kỹ thuật trình bày, nội dung và văn phong.

Bố cục của biên bản có các yếu tố cơ bản sau:

  • Quốc hiệu và tiêu ngữ. (Để khẳng định giá trị pháp lý)
  • Tên biên bản và trích yếu nội dung. (Lập biên bản về việc gì)
  • Thời điểm lập biên bản hoặc ghi biên bản trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm, giờ, phút, ghi địa điểm nơi sự kiện, hành vi diễn ra (biên bản ghi rất cụ thể thời gian giờ phút lập biên bản).
  • Thành phần tham dự, chủ trì, thư ký ghi biên bản (kiểm tra, xác nhận sự kiện thực tế dự hội họp…).
  • Diễn biến sự kiện thực tế (phần nội dung cơ bản, cần phải ghi lại đầy đủ ý kiến phát biểu các bên, lập luận các bên, ý kiến của chủ tọa...).
  • Phần kết thúc (ghi thời gian cụ thể và lý do).
  • Thủ tục ký xác nhận. Biên bản phải bao gồm chữ ký của thư ký lập biên bản và chữ ký của chủ tọa hội nghị, cần thiết thì có thểm thêm các chữ ký của người tham dự. Đối với biên bản xử phạt cần có chữ ký của người lập biên bản xử phạt và chữ ký của người bị lập biên bản (nếu người bị lập biên bản không ký thì người ghi biên bản phải ghi vào)

Yêu cầu của một biên bản:

  • Số liệu, sự kiện phải chính xác, cụ thể.
  • Ghi chép trung thực, đầy đủ không suy diễn chủ quan.
  • Nội dung phải có trọng tâm, trọng điểm.
  • Thủ tục chặt chẽ, thông tin có độ tin cậy cao (nếu có tang vật, chứng cứ, các phụ lục diễn giải phải giữ kèm biên bản). Những người có trách nhiệm ký chứng nhận biên bản, biên bản phải được đọc cho mọi người có mặt cùng nghe, sửa chữa lại cho khách quan (nếu có) và ký vào biên bản để cùng chịu trách nhiệm.
  • Lời văn biên bản cần ngắn gọn chính xác.